Hỏi: Người Lao Động gặp tai nạn lao động được hưởng những quyền lợi gì?

blank

Đáp:

Trước tiên, cần xem xét loại tai nạn nào được xem là tai nạn lao động.

Theo quy định tại điều 43 Luật BHXH, người lao động  được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    • Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
    • Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
    • Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn nêu trên gây ra.

Vậy tai nạn hội tụ đủ hai điều kiện trên thì được xem là tai nạn lao động.

Các hậu quả pháp lý khi xảy ra tai nạn lao động:

  1. Về việc thực hiện hợp đồng lao động:

Theo quy định của Bộ Luật Lao Động thì trường hợp người lao động bị tai nạn lao động đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám chữa bệnh thì Người sử dụng Lao động không được quyền chấm dứt hợp đồng lao động. Trừ trường hợp: Người lao động bị tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

  1. Trách nhiệm của NSDLĐ trong trường hợp NLĐ bị tai nạn lao động:
  • Về tiền lương làm việc:

Căn cứ theo quy định của Bộ Luật Lao Động thì Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian điều trị tai nạn lao động.

Trường hợp trong thời gian điều trị tai nạn lao động mà hợp đồng lao động hết hiệu lực thì Người sử dụng lao động vẫn phải trả tiền lương cho người lao động trong thời gian tiếp tục điều trị.

  • Về việc hưởng chế độ tai nạn lao động:
    • Trường hợp NSDLĐ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc NLĐ:

– Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng trợ cấp 1 lần 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Ngoài mức trợ cấp quy định nêu trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

– Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

Ngoài mức trợ cấp nêu trên, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

– Người lao động chết do tai nạn lao động thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

  • Trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội nêu trên.
  • Tiền bồi thường của Người sử dụng lao động cho Người lao động:
    • Trường hợp tai nạn lao động không do lỗi của NLĐ:

Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

– Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

– Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

  • Trường hợp do lỗi của người lao động:

Người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40%  mức quy định đối với trường hợp không do lỗi của NLĐ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây