Thuế môn bài là một loại thuế trực thu, thường là định ngạch (một lượng cố định đối với tất cả các đối tượng thu của sắc thuế) đánh vào giấy phép kinh doanh (môn bài) của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Thuế môn bài được thu hàng năm, mức thu phân theo số vốn kinh doanh đăng kí hoặc doanh thu năm kế trước hoặc giá trị gia tăng của năm kinh doanh kế trước tùy từng địa phương.
Vậy văn phòng đại diện có phải nộp thuế môn bài không? Trường hợp nào thì phải nộp và mức lệ phí phải nộp là bao nhiêu?
Tại Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định người nộp lệ phí môn bài như sau:
“Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật…
- Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có)…
Căn cứ quy định trên, trường hợp văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp lệ phí môn bài; trường hợp văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh không hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì không phải nộp lệ phí môn bài.
Như vậy Văn phòng đại diện có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp lệ phí môn bài và mức nộp lệ phí môn bài đối với văn phòng đại diên căn cứ theo điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính:
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ như sau:
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư tên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm.
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vi sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (1 triệu) đồng/năm.
Lệ phí môn bài thu được phải được nộp 100% vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.