Hàng nhập khẩu là hàng hóa được sản xuất ở một nước khác và nhập qua cửa khẩu Việt Nam, có xuất xứ từ nước ngoài. Khi mua hàng hóa Nhập khẩu: kế toán phải làm tờ khai Hải quan và đóng thuế Nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt (nếu có); 2 loại thuế này (nếu có) sẽ được cộng vào giá gốc của hàng hóa. Vậy việc định khoản đối với các nghiệp vụ liên quan đến hàng nhập khẩu như thế nào?
Cách xác định tỷ giá
a) Khi phát sinh giao dịch bằng đồng ngoại tệ kế toán phải quy đổi ra đồng VN theo tỷ giá giao dịch thực tế của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở TK với nguyên tắc:
- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.
(Theo khoản 4, Điều 2 của TT 26/2015/TT-BTC)
b) Khi phát sinh công nợ phải trả (TK: 331):
Đối với các khoản phải trả bằng ngoại tệ thì thực hiện theo nguyên tắc:
- Khi phát sinh các khoản nợ phải trả cho người bán (bên có tài khoản 331)bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh (là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi thường xuyên có giao dịch).
Riêng trường hợp ứng trước cho nhà thầu hoặc người bán, khi đủ điều kiện ghi nhận tài sản hoặc chi phí thì bên Có tài khoản 331 áp dụng tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh đối với số tiền đã ứng trước.
- Khi thanh toán nợ phải trả cho người bán (bên Nợ tài khoản 331)bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh cho từng đối tượng chủ nợ. Trường hợp chủ nợ có nhiều giao dịch thì tỷ giá thực tế đích danh được xác định trên cơ sở bình quân gia quyền di động các giao dịch của chủ nợ đó.
Riêng trường hợp phát sinh giao dịch ứng trước tiền cho nhà thầu hoặc người bán thì bên Nợ tài khoản 331 áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế (là tỷ giá bán của ngân hàng nơi thường xuyên có giao dịch) tại thời điểm ứng trước.
c) Khi Thanh toán
- Khi thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ, nếu tỷ giá trên sổ kế toán các tài khoản nợ phải trả nhỏ hơn tỷ giá trên sổ kế toán TK 111, 112, ghi:
Nợ các TK 331… (tỷ giá ghi sổ kế toán)
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá )
Có các TK 112 (theo tỷ giá trên sổ kế toán hoặc tỷ giá mua $ của NH).
- Khi thanh toán nợ phải trả bằng ngoại tệ, nếu tỷ giá trên sổ kế toán các TK 111, 112 nhỏ hơn tỷ giá trên sổ kế toán của các TK Nợ phải trả, ghi:
Nợ các TK 331… (tỷ giá trên sổ kế toán)
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá )
Có các TK 112 (theo tỷ giá trên sổ kế toán hoặc tỷ giá mua $ của NH).
Cách Hạch toán
Khi nhập khẩu vật tư, hàng hoá, TSCĐ:
– Giá trị vật tư, hàng hoá, TSCĐ nhập khẩu bao gồm tổng số tiền phải thanh toán cho người bán (theo tỷ giá giao dịch thực tế), thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường phải nộp (nếu có), ghi:
Nợ TK 152, 153, 156, 211
Có TK 331 – Phải trả cho người bán
Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Có TK 33381 – Thuế Bảo vệ môi trường
Có các TK 111, 112, 331…
– Thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 33312 – Thuế GTGT hàng NK
Khi nộp tiền thuế vào Ngân sách Nhà Nước – Căn cứ vào Giấy nộp tiền vào NSNN
Nợ TK 33312 – Thuế GTGT hàng NK
Nợ TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nợ TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Nợ TK 33381 – Thuế Bảo vệ môi trường
Có TK1111/ TK1121
Để hàng nhập khẩu về tới DN Nếu phát sinh CP mua hàng, hạch toán:
Nợ TK156/152/153/211
Nợ TK1331 (nếu có)
Có TK1111/ TK1121/ TK331