Bài viết dưới đây xin giới thiệu tới bạn đọc cách tính lãi khi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Căn cứ vào Công văn 1379/BHXH-BT năm 2016 hướng dẫn tính lãi chậm đóng, truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội tự nguyện do bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành. Quy định cụ thể như sau:

Đơn vị chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN từ 30 ngày trở lên, kể từ ngày phải đóng theo quy định thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN chưa đóng. Lãi được tính vào ngày đầu hàng tháng.

blank

Công thức tính lãi chậm đóng:

Lcđi = Pcđi x k (đồng)           (1)

Trong đó:

Lcđi: tiền lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN tính tại tháng i (đồng).

Pcđi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi tại tháng i (đồng), được xác định như sau:

Pcđi = Plki – Spsi (đồng)           (2)

Trong đó:

* Plki: tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN phải đóng lũy kế đến hết tháng trước liền kề tháng tính lãi i (không bao gồm số tiền lãi chậm đóng, lãi truy thu các kỳ trước còn nợ nếu có).

* Spsi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN phải đóng phát sinh chưa quá hạn phải nộp, xác định như sau:

+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức hàng tháng: số tiền BHXH, BHYT, BHTN phải đóng phát sinh bằng số tiền phát sinh của tháng trước liền kề tháng tính lãi;

+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức ba (03) tháng, sáu (06) tháng một lần: số tiền BHXH, BHYT, BHTN phải đóng phát sinh bằng tổng số tiền phải đóng phát sinh của các tháng trước liền kề tháng tính lãi chưa đến hạn phải đóng.

* k: lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi (%), xác định như sau:

– Đối với BHXH bắt buộc, BHTN, k tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân năm trước liền kề theo tháng do BHXH Việt Nam công bố.

– Đối với BHYT, k tính bằng bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tính theo tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm trước liền kề. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.

blank

Ví dụ 1: Tính lãi chậm đóng đối với đơn vị đóng BHXH, BHYT, BHTN theo phương thức đóng hàng tháng

Doanh nghiệp B đóng BHXH, BHYT, BHTN theo phương thức đóng hàng tháng. Tính đến hết tháng 02/2016 Doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH, BHTN là 200.000.000 đồng, nợ tiền đóng BHYT là 35.000.000 đồng; trong đó: số tiền phải đóng BHXH, BHTN phát sinh của tháng 2/2016 là 100.000.000 đồng, số tiền phải đóng BHYT phát sinh của tháng 2/2016 là 20.000.000 đồng. Giả sử mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân năm 2016 là 6,39%/năm; mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là 6,5%/năm.

  • Lãi suất chậm đóng BHXH, BHTN kbhxh= 2 x 6,39%/12= 1,0650%
  • Lãi suất tính lãi chậm đóng BHYT kbhyt= 2 x 6,5%/12 = 1,0833%

Áp dụng công thức:

–   Tiền lãi chậm đóng BHXH, BHTN là:

(200.000.000 đồng – 100.000.000 đồng) x 1,0650% = 1.065.000 đồng

  • Tiền lãi chậm đóng BHYT là:

(35.000.000 đồng – 20.000.000 đồng) x1,0833 = 162.495 đồng

Tổng số tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu đối với doanh nghiệp B tại thời điểm tháng 3/2016 là:

1.065.000 đồng + 162.495 đồng =  1.227.495 đồng

Ví dụ 2: Tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với đơn vị đóng theo phương thức đóng ba (03) tháng, hoặc sáu (06) tháng một lần một lần (để đơn giản, dưới đây nêu ví dụ tính lãi chậm đóng BHXH, BHTN. Việc tính lãi chậm đóng BHYT thực hiện tương tự).

Doanh nghiệp C đóng BHXH, BHYT, BHTN theo phương thức đóng ba (03) tháng một lần (tháng đầu tiên theo phương thức đóng từ tháng 01/2016). Tính đến hết tháng 5/2016 Doanh nghiệp C còn nợ tiền đóng BHXH, BHTN là 350.000.000 đồng, trong đó, số tiền phải đóng BHXH, BHTN phát sinh của tháng 4/2016 là 100.000.000 đồng, số tiền phải đóng BHXH, BHTN phát sinh của tháng 5/2016 là 110.000.000 đồng.

Tại thời điểm tháng 5/2016 và tháng 6/2016 tính lãi chậm đóng BHXH, BHTN đối với Doanh nghiệp C như sau:

–  Theo công thức (2), số tiền chậm đóng BHXH, BHTN phải tính lãi (Pcđ6) mỗi tháng (tháng 5/2016 và tháng 6/2016) là:

 (350.000.000 đồng – 100.000.000 đồng – 110.000.000 đồng) = 140.000.000 đồng

Giả sử lãi suất tính lãi BHXH tính theo Ví dụ 1 là 1,0650%,

–  Theo công thức (1) tiền lãi chậm đóng BHXH, BHTN tại tháng 5/2016 và tháng 6/2016 (Lcđ6) mỗi tháng là:

140.000.000 đồng x 1,0650% =  1.491.000 đồng

Ví dụ 3: Cũng Doanh nghiệp B nêu tại Ví dụ 1 trên, giả sử đến hết tháng 3/2016 vẫn không nộp BHXH, BHYT, BHTN (số tiền chuyển đóng là 0 đồng) thì sang tháng 4/2016, ngoài việc phải nộp tổng số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 02/2016 nêu trên là 235.000.000 đồng, tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN phát sinh của tháng 3/2016 và tháng 4/2016 là 240.000.000 đồng, tiền lãi chậm đóng tính tại tháng 3/2016 là 1.227.495 đồng, Doanh nghiệp B còn phải nộp tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền nợ lũy kế đến hết tháng 02/2016 là:

–  Tiền lãi chậm đóng BHXH, BHTN là:

 200.000.000 đồng x 1,0650% = 2.130.000 đồng

–  Tiền lãi chậm đóng BHYT là:

 35.000.000 đồng x 1,0833% = 379.155 đồng

–  Tổng tiền lãi chậm đóng là:

2.130.000 đồng + 379.155 đồng = 2.509.155 đồng

Tổng số tiền phải nộp trong tháng 04/2016 (tiền nợ và tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN phát sinh, tiền lãi chậm đóng còn nợ và tiền lãi phát sinh):

475.000.000 đồng + 1.227.495 đồng + 2.509.155 đồng =  478.736.650 đồng

Lưu ý:  Hằng năm, trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 01, BHXH Việt Nam thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân quy định tại Điểm a và b Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây