Kinh phí công đoàn (KPCĐ) là nguồn tài trợ cho hoạt động công đoàn ở các cấp. Theo chế độ hiện hành, KPCĐ được trích theo tỷ lệ 2% trên tổng số tiền lương phải trả cho người lao động, doanh nghiệp phải trả toàn bộ và tính vào chi phí sản xuất kinh doanh. Vậy khi nộp chậm hoặc cố tình không đóng KPCĐ thì bị xử phạt như thế nào? Mức phạt là bao nhiêu? Bài viết sẽ làm rõ hơn cho bạn đọc quan tâm về vấn đề này.
Căn cứ theo Điều 24c, Nghị định số 88/2015/NĐ-CP vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn:
- Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;
b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
Bên cạnh những vi phạm về việc đóng kinh phí công đoàn thì tại Nghị định số 88 này cũng quy định thêm biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể như sau: Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.