Căn cứ theo Điều 19, Nghị định 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
- Các biện pháp cưỡng chế được quy định như sau:
a) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; yêu cầu phong toả tài khoản;
b) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;
c) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của phápluật để thu đủ tiền thuế, tiền phạt;
d) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;
e) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu;
g) Thu hồi mã số thuế; đình chỉ việc sử dụng hoá đơn;
h) Thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và Khoản 6 Điều này được thực hiện theo quy định tại các Mục 2, 3, 4, 5, 6, 7 Chương này. Trường hợp đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp tiếp theo mà có thông tin, điều kiện để thực hiện biện pháp cưỡng chế trước đó thì người ra quyết định cưỡng chế có quyền quyết định thực hiện biện pháp cưỡng chế trước để bảo đảm thu đủ số tiền thuế, tiền phạt.
Trong trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời cho ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính quy định trình tự, thời gian áp dụng từng biện pháp cưỡng chế cụ thể; trình tự, thủ tục xác định người nộp thuế nợ tiền thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định tại khoản 1 chấm dứt hiệu lực, kể từ khi tiền thuế, tiền phạt đã được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.